Bỏ phố về làm du lịch quê nhà
- Thứ bảy - 09/09/2023 18:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dòng suối quê nhà thành điểm đến
Rời quê hương xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vào TP.HCM lập nghiệp, Tùng làm việc lĩnh vực công nghệ thông tin, có thu nhập ổn định, nhưng anh chàng hướng ngoại làm riết công việc văn phòng cũng thấy cuồng chân dù hay lân la lên mạng tham gia các nhóm du lịch, đam mê leo núi.
Đam mê ngày một lớn, anh quyết định rời TP.HCM về lại bản làng, rẽ lối làm du lịch.
Thời điểm ấy, làn sóng đi phượt, leo núi nổi lên ở miền Bắc, Tùng cũng vác ba lô rong ruổi khắp Tây Bắc rồi Đông Bắc. Tùng dẫn tour trekking (đi bộ đường dài/đi bộ leo núi) băng qua những cung đường đèo đồi núi quanh co hiểm trở, thích hợp với du khách ưa du lịch mạo hiểm.
Gần bốn năm xê dịch, bỏ túi nhiều kinh nghiệm sau thời gian khám phá nhiều ngọn núi, anh học cả kỹ năng đi rừng, băng qua sông suối, xác định phương hướng để đảm bảo không đi lạc. Sau mỗi chuyến đi du lịch, Tùng về nhà với cảm giác yên bình.
"Rồi tôi nhận ra quê mình có nhiều điều kiện, tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch mà chưa nhiều người làm. Tôi quyết tâm làm du lịch ngay tại quê nhà", Tùng nhớ lại.
Đó giờ nhắc đến Thái Nguyên, hầu như người ta chỉ nghe đến đặc sản trà nổi tiếng hay công nghiệp khai khoáng, rồi khu du lịch Hồ Núi Cốc ví như "vịnh Hạ Long thu nhỏ". Nhưng ở xã Hoàng Nông quê anh hầu như chưa có ai làm gì liên quan đến du lịch.
Trong khi do nằm dưới chân núi Tam Đảo, thời tiết của vùng quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên vùng trung du phong phú với những cánh đồng lúa ôm ấp xóm làng, rồi những nương chè xanh mát.
Đặc biệt, ở xã Hoàng Nông có con suối Cửa Tử ẩn mình trong dãy Tam Đảo mà tuổi thơ Tùng từng gắn bó. Con suối ấy có bảy con thác chảy len qua những vách đá, vách núi cheo leo đổ về, được che chắn dưới những tán cây cổ thụ.
Tùng xây dựng tour trekking suối Cửa Tử với ý nghĩ sao du khách phải vượt hàng trăm cây số tìm đến các điểm xa ở Tây Bắc, trong khi Thái Nguyên gần Hà Nội dễ đi hơn. Cũng nhờ kinh nghiệm gom góp sau nhiều năm dẫn tour nhiều nơi giúp anh tự tin hơn.
Khỏi phải nói bố mẹ lo lắng thế nào khi thấy con trai quyết tâm đổi việc mới khi mọi thứ đang yên lành. Nhất là khi anh thuyết phục bố mẹ cho dựng ngôi nhà lưu trú ngay trên mảnh đất của gia đình có bạt ngàn đồi chè bao quanh.
Vẻ đẹp hoang sơ, độc lạ của con suối khiến du khách thích thú khi ghé thăm. Mà mỗi khi đưa khách đi trekking Cửa Tử, Tùng như được trở về những ngày thơ bé cùng bao kỷ niệm với con suối này.
Tạo việc làm cho bà con dân tộc
Từ số vốn tích lũy sau mấy năm đi làm, Tùng gầy dựng Hoàng Nông Farm và mở cửa đón du khách đến trekking suối Cửa Tử.
Thường mùa leo núi diễn ra khoảng đầu đông đến đầu xuân, nhưng suối Cửa Tử lại có lợi thế vào mùa hè. Thế nên khá đông bạn trẻ đã tìm đến Hoàng Nông Farm dịp hè để vừa trekking vừa có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian học tập, làm việc.
Ban đầu chỉ một mình Tùng dẫn tour đưa khách đi trekking suối Cửa Tử. Công việc khá vất vả nhưng doanh thu tạo ra lại chưa nhiều, phần vì anh cũng chưa biết cách tạo doanh thu, phần vì chỉ lo tập trung vào quảng bá.
Nhưng cứ làm rồi tự học, rút tỉa dần nên anh cũng xây dựng được quy trình làm việc tối ưu chi phí, tạo ra thu nhập tốt nhất cho nhân viên, từng bước gầy dựng uy tín, tạo công ăn việc làm đều đặn hơn cho bà con địa phương.
Dịp cuối tuần, có thời điểm phải cần đến 10 - 15 người dẫn đường, hầu hết là bà con dân tộc Dao mới đáp ứng đủ nhu cầu các đoàn khách cùng lúc. Tùng trả công 600.000 đồng/ngày, nếu kiêm thêm nhiệm vụ chụp hình cho khách sẽ nhận 800.000 đồng/ngày.
Khách đông và thường xuyên nên bộ phận lễ tân, dọn phòng, pha chế buộc phải thuê làm việc toàn thời gian.
Hiện công suất tối đa ở Hoàng Nông Farm có thể đón 40 khách/đợt, nhưng Tùng chỉ xin phép đón tối đa 30 khách để đảm bảo chất lượng, phục vụ du khách tốt nhất.
Anh đang dự định có thêm các hoạt động trải nghiệm về văn hóa đồng bào dân tộc Dao, trò chuyện về cây chè, đạp xe khám phá địa phương... để thu hút du khách đến tham quan, thêm trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch của địa phương sắp tới.
Du lịch xanh bảo vệ môi trường
Con đường nhỏ dẫn lối vào Hoàng Nông Farm với hàng cây xanh mát hai bên. Vừa đến nơi, du khách đã bắt gặp ngay biển chỉ dẫn với lời nhắc bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa. Tùng nói muốn phát triển du lịch bền vững cần nhất phải bảo vệ được con suối, giữ môi trường không ô nhiễm.
Từ suy nghĩ đó, anh đã kết hợp với bà con địa phương là chủ các homestay xung quanh cùng chung tay giữ gìn dòng suối xanh mát, sạch đẹp.
Toàn bộ đồ ăn theo những chuyến trekking đều là đồ được chuẩn bị sẵn, đựng trong những chiếc hộp có thể tái sử dụng. Và mỗi lần dẫn khách đi, anh và các bạn hướng dẫn viên luôn nhẹ nhàng nhắc du khách không để lại rác, không đốt lửa trong rừng.
"Tôi luôn ý thức phải nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch của địa phương nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành để phát triển du lịch bền vững, giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên, không gây ảnh hưởng đến môi trường", Tùng chia sẻ.