Quà Lưu Niệm Việt Nam - Thế Giới Quà Tặng - Quà Theo Yêu Cầu

https://qualuuniemvn.com:443


Chút suy nghĩ về “Hoàng Lương Mộng” và mục đích của đời người

Phật gia giảng: “Nhân sinh vô thường”, hết thảy thế sự đều vô thường, luôn luôn thay đổi. Trong cuộc sống vô thường ấy, mục đích của đời người là truy cầu điều gì?
“Hoàng Lương Mộng” là một điển cố nổi tiếng trong văn hóa truyền thống phương Đông. Nó được dân gian truyền miệng, được ghi chép trong các tác phẩm văn học… và còn là nội dung trong các tiết mục biểu diễn của người xưa. Trải qua các triều đại khác nhau, “Hoàng Lương Mộng” có những cái tên khác nhau, như thời nhà Đường, nó có tên là “Nam Kha Ký”, thời nhà Tống lại có tên là “Nam Kha Thái Thú”, triều Nguyên lại được đổi tên là “Hàm Đan đạo tỉnh ngộ hoàng lương mộng”, triều nhà Minh là “Hàm Đan Ký”, triều nhà Thanh là “Tục Hoàng Lương”. Dù là có tên khác nhau nhưng “Hoàng Lương Mộng” đều có nội dung chung nhất là kể một câu chuyện như sau:


Xưa có một vị thư sinh vào kinh dự thi, trên đường đi, anh ta dừng chân nghỉ tại một quán trọ ở Hàm Đan. Trong quán trọ ấy, thư sinh gặp một vị đạo sĩ già. Vị đạo sĩ già này thấy người thư sinh có cơ duyên rất tốt, bèn khuyên anh ta nên từ bỏ con đường cầu công danh, chuyên tâm tu đạo. Vị thư sinh không hiểu cái lý mà vị đạo sĩ khuyên, đáp rằng: “Cuộc đời tôi còn có rất nhiều điều phải theo đuổi, không muốn tu đạo.” Nói rồi lại quay ra nhìn nồi kê mà chủ quán nấu dở.

Vị đạo sĩ nhìn qua thư sinh và không nói thêm lời nào nữa. Chỉ một lát sau, vị đạo sĩ khiến thư sinh tiến vào một giấc mộng.

giac mong hoang luong 05

Giấc mộng Hoàng lương – ảnh minh họa

Ở trong giấc mộng ấy, vị thư sinh mơ thấy mình đỗ đạt trong kỳ thi, lại cưới được cô gái xinh đẹp con nhà quyền quý. Đang lúc hân hoan, bái đường thành thân, anh ta lại được thăng quan tiến chức, nhiều quan lại cùng đến chúc mừng. Có người đến kết nghĩa, có người đến a dua nịnh nọt. Thư sinh cảm thấy rất đắc chí và trong lòng vui sướng tột độ.

Nhưng ở chốn quan trường không lâu, cũng vì sự đắc ý và kiêu ngạo, thư sinh bị mất chức, còn bị phán tội chết. Bạn bè người thân cũng lập tức xa lánh anh ta. Đang mơ đến đoạn tiếng chiêng vang lên, quan phủ giơ đao chém đầu thì thư sinh tỉnh mộng. Người thư sinh bị giấc mộng ấy làm cho kinh tâm động phách, sờ lên cổ mình, mồ hôi túa ra đầm đìa. Trong hoảng loạn, anh ta nhất thời không biết rõ là mơ hay thật. Bất giác nhìn qua, nồi kê lúc trước đang nấu dở trong quán vẫn còn chưa chín.

Chỉ trong một giấc mộng ngắn ngủi, thư sinh đã trải qua cuộc sống vinh hoa phú quý và đi đến cuối cùng của cuộc đời. Thời gian của giấc mộng còn chưa bằng thời gian một nồi kê nấu dở. Hồi tưởng lại tình cảnh ấy, thư sinh cảm thấy vô cùng may mắn vì đó chỉ là trong mộng. Nhân sinh biến hóa vô thường, khiến thư sinh tỉnh ngộ. Anh ta từ bỏ con đường tìm cầu công danh mà bái sư tu đạo, đi tìm ý nghĩa chân chính của đời mình.

Kê còn được gọi là “Hoàng Lương”, vậy nên câu chuyện này có tên là “Hoàng Lương Mộng”.

Mục đích của đời người là tài phú, là công danh sao? Phật gia giảng con người là trần trụi mà đến thế giới này. Tài phú, sắc đẹp, công danh đều là nhất thời, như mây khói thoảng qua, đến trăm tuổi lâm chung người ta chỉ có thể buông tay mà đi. Vô luận là chúng ta tiếc nuối gì, quyến luyến thứ gì nơi nhân thế thì cũng không cách nào mang theo được.

Ấy vậy mà con người thường hay bị chìm đắm bởi dục vọng. Người có quyền lực luôn nghĩ cách làm sao để chức vị càng cao càng tốt, quyền lực càng lớn càng tốt. Người có tiền luôn muốn việc làm ăn càng lớn càng tốt, tiền tài kiếm được càng nhiều càng tốt. Người có học cũng liều mình để có được chức vị càng cao càng tốt, danh vọng phải càng lớn mới càng hài lòng… Thậm chí, người ta vì những giấc mộng và khát vọng của bản thân mình mà làm bại hoại xã hội. Nhưng họ lại không biết rằng quả báo là không xa xôi. Nếu chịu khó quan sát thẳng thắn chừng vài ba thế hệ ở một gia tộc nào đó trong lịch sử hay ở quanh ta, dấu vết của nhân quả rất khó tẩy xóa, phủ nhận.

Trên thế gian, con người theo đuổi càng nhiều thứ thì càng rời xa Đạo, càng tách khỏi đặc tính của vũ trụ và bản tính tiên thiên của mình. Phật gia giảng con người sống trong cõi hồng trần chẳng qua chỉ là một chuyến lữ hành vội vã, thế gian bất quá chỉ là quán trọ mà thôi. Đời này là cha mẹ, vợ chồng, con cái của nhau, đời sau biết có duyên tiếp tục? Tình thâm đã là như thế, nói gì đến danh lợi?

Trong nền văn hóa truyền thống mấy ngàn năm, Nho gia giảng làm người phải có bát đức “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”. Đạo gia giảng Chân, làm người quý nhất là trong sáng, giản đơn, không cầu đắc được điều gì. Phật gia giảng sinh mệnh là có luân hồi, nguyên thần con người là bất diệt, ở trong vòng tuần hoàn luân hồi của sinh mệnh ấy, chỉ có “duyên nợ” là đời đời kiếp kiếp đi theo mà thôi. Cho nên làm người ít nhất là phải Thiện, hành thiện tích đức mới có được thiện quả tốt đẹp.

Nhưng đó mới là tiêu chuẩn làm người, còn như muốn thăng hoa hơn nữa thì sao? Phật gia giảng tu đến thoát khỏi luân hồi, Đạo gia giảng phản bổn quy chân, Kitô giáo giảng cứu rỗi đến thiên đường. Đây là tu luyện, là tín ngưỡng, là những điều tinh hoa nhất trong văn hóa nhân loại.

Trên thế gian vô thường này, con người rồi sẽ có lúc phải đối diện với những câu hỏi được coi là chỗ mê lớn nhất: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Vì sao ta lại sinh ra trên thế giới này? Chết rồi thì sẽ về đâu? Liệu những điều mà tín ngưỡng nói đến có phải là sự thật? Và rồi dù muốn hay không, con người cũng sẽ trong vô thức đi tìm câu trả lời cho những điều đó. Ngưỡng mộ thay, những ai có được câu trả lời kiên định. Phúc lành thay, những ai có được chốn về trong hành trình tưởng như vô định ấy.
 

 

Tác giả bài viết: Bean Nguyễn

Nguồn tin: trithucvn.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây