Quà Lưu Niệm Việt Nam - Quà tặng ngày lễ - Sự kiện - Doanh nghiệp

https://qualuuniemvn.com:443


Ngôi nhà cổ duy nhất ở miền Tây được UNESCO công nhận di sản văn hóa

Ngôi nhà cổ độc đáo ở Tiền Giang được xây dựng vào khoảng năm 1838. Đây là ngôi nhà được UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương công nhận di sản văn hóa.

 

Ngôi nhà cổ tọa lạc ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hiện Việt Nam có khoảng 4.000 ngôi nhà cổ. Đây là 1 trong 6 ngôi nhà cổ của cả nước vinh dự được UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương hỗ trợ trùng tu và công nhận di sản văn hóa vào năm 2004.

Trong lời giới thiệu các công trình kiến trúc nhà cổ của Việt Nam, UNESCO châu Á – Thái Bình Dương viết: “Sáu ngôi nhà, trải dài trong không gian địa văn hóa rộng lớn của Việt Nam đã đại diện cho nền văn hóa truyền thống mỗi khu vực, thông qua kiến trúc truyền thống. Đó là một thứ tài liệu sống động minh chứng cho lối kiến trúc tinh diệu được thể hiện dưới những bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công Việt Nam”.

Nhà có kiến trúc kiểu chữ đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000 m2. Toàn bộ cột kèo và vật dụng được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm xe. Chủ nhân của ngôi nhà là bà Lê Thị Chính. Theo gia chủ, ngôi nhà do một nhóm thợ người Huế xây dựng, mất nhiều năm mới hoàn thành. Ngôi nhà mang đậm phong cách nhà cổ xưa của xứ Huế.

Năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản khảo sá.t ngôi nhà, lên kế hoạch trùng tu. Năm 2004, việc trùng tu hoàn thành, ngôi nhà có hiện trạng như ngày nay. Đây là một trong số ít những ngôi nhà cổ nhất miền Tây.

Trên các ô cửa, cột, kèo… có nhiều chi tiết được chạm khắc hình tượng cây tùng, cúc, trúc, mai và khung cảnh đời sống. Đây là nghệ thuật khảm của xứ Huế, vật liệu khảm là xà cừ (miền Nam hay gọi là cẩn xà cừ). Xà cừ là vật liệu cứng, nhưng sự tinh tế tạo hình đã không cho thấy sự khô cứng, nặng nề. Những bàn tay nghệ nhân tài hoa đã khảm thành những hoa văn sinh động mang phong cách Huế.

Đầu vi kèo được chạm trổ hình tượng đầu rồng kỳ công. Kèo cột của ngôi nhà được thiết kế kiểu chồng rường đặc trưng. Bởi chất liệu gỗ tốt nên qua hàng trăm năm, các chi tiết chạm khắc vẫn còn gần như nguyên vẹn, hoàn toàn không bị mối mọt hay thấm dột.

Đèn trong nhà là những chiếc đèn dầu quen thuộc của người Việt xưa, hiện được thắp sáng bằng bóng đèn điện gắn trong thân đèn.

Vật dụng bằng sành sứ gần 200 năm tuổi được bảo quản cẩn thận tại nhà. Nhiều người thích sưu tầm đồ gốm sứ cổ ngỏ ý mua lại những vật dụng này với giá cao, nhưng gia chủ không bán.

Mái nhà lợp ngói âm dương, một hàng sấp, một hàng ngửa xen kẽ cổ kính và độc đáo. Mái nhà hoàn toàn không thấm dột.

Bảng ghi nhớ và công nhận di sản văn hóa của UNESCO châu Á – Thái Bình Dương được bảo quản tại nhà. Theo gia chủ, đây là vinh dự lớn của cả dòng họ. Việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của ngôi nhà được các thành viên trong gia đình, dòng họ rất chú trọng.

Nguồn tin: Theo Zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây