3 điều người có tu dưỡng thủ giữ trong cuộc đời
Chủ nhật - 24/03/2024 21:56
Thế sự vô thường, đời người cũng vô thường, không có điều gì là bất biến, vĩnh cửu. Một người chỉ có tu dưỡng mới có thể ở trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào cũng làm chủ được bản thân và có những lựa chọn sáng suốt, đúng đắn. Dưới đây là ba điều mà một người cần thủ giữ để trở thành người có tu dưỡng.
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)
1. Thủ tâm như gương
Một lần, một vị thiền sư nói với những người đến nghe ông giảng đạo:
Gương có ba ưu điểm mà con người làm không được.
Gương có thể chiếu ra hình ảnh giống như vật, nhưng khi qua đi rồi cũng sẽ không lưu giữ lại hình ảnh của vật ấy. Con người có thể làm được khi sự tình đến thì tiếp nhận, khi sự tình qua thì quên đi không?
Gương phản ánh chân thật, không phân biệt bần sang quý tiện. Con người có thể làm được khi đối mặt với một người ăn mày và một quốc vương mà vẫn cung kính như nhau hay không?
Gương phản chiếu màu đỏ thành màu đỏ, màu xanh thành màu xanh, không tự đổi màu của vật. Con người có thể làm được thuận theo duyên, tùy duyên mà thích ứng hay không?
Gương có thể phản chiếu ra hình ảnh của vật nhưng nếu mặt gương bị phủ một lớp bụi thì hình ảnh phản chiếu ra sẽ bị mờ nhạt và không được rõ ràng. Tâm của con người cũng như mặt gương vậy, một khi tâm người là sáng tỏ thì nhìn núi ra núi, nhìn sông ra sông. Nếu tâm của một người đã bị che lấp bởi một lớp bụi danh lợi tình nơi trần thế thì sẽ khó có thể nhìn ra gì sáng tỏ.
Một người nếu có thể giữ tâm trong như gương sáng, thì dù cảnh vật bên ngoài có biến đổi ra sao đi nữa, người ấy vẫn có cái nhìn thanh tỉnh, rõ ràng, không bị mê hoặc, “cảnh chuyển mà tâm không chuyển”.
2. Thủ thân như ngọc
Ngọc tượng trưng cho sự cao quý và trong sạch, thuần khiết. Bởi vậy, thời xưa, người quân tử, người có đạo đức cao thượng thường được ví như ngọc. Cổ nhân cho rằng ngọc có năm đức, tương ứng với năm mỹ đức của người quân tử là “nhân, nghĩa, trí, dũng, khiết”.
Con người làm gì cũng đều phải tuân thủ đạo lý. Thời cổ đại, người quân tử chân chính đối với bản thân vô cùng nghiêm khắc, đây là một loại “tự giới luật” bản thân. “Không làm xằng làm bậy”, giữ thân như ngọc chính là không tùy tiện, trong tâm luôn có nguyên tắc và đường giới hạn của mình.
Ánh sáng của ngọc phát ra từ nội tại bên trong, tương ứng với nội tâm của người quân tử. Trong sách “Luận Ngữ” viết: “Vọng chi nghiễm nhiên, tức chi dã ôn, thính kỳ ngôn dã lệ”, ý nói người quân tử trông xa thì thấy trang nghiêm, nhưng đến gần thấy ôn hòa, nghe lời nói thấy trang trọng nghiêm túc. Đây là sự đúng mực trong tiết tháo phẩm hạnh của người quân tử, vừa không khiến người khác cảm thấy lạnh lùng bất hòa, vừa không để người khác cảm thấy bị đùa cợt vũ nhục.
Về phẩm đức của người quân tử, Mạnh Tử cũng viết, người quân tử gặp người có quyền thế thì không xu nịnh, gặp người mạnh thì không sợ, gặp người yếu hơn mình thì không bắt nạt, tôn kính người lớn tuổi, che chở người nhỏ tuổi. Họ nghiêm túc đứng đắn, khoan dung, bác ái, quang minh và cả đời luôn chú trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Một người có thể làm được những điều giống như người quân tử, bên ngoài thì nho nhã lễ độ, bên trong nội tâm thì thuần khiết, đoan trang thì chính là người đã có thể giữ thân như ngọc.
3. Thủ khẩu như bình
Trong “Tăng Quảng Hiền Văn“ viết: “Thủ khẩu như bình, phòng ý như thành, ninh khả phụ ngã, thiết mạc phụ nhân”, ý nói giữ miệng như giữ bình có nút, phòng ý như tường thành, dẫu người phụ ta, ta nhất quyết cũng không được phụ người. Lời nói là không thể tùy tiện mà phát ra, cũng không thể tùy ý mà bình phẩm người khác.
“Thủ khẩu như bình” chính là đối với những điều không nên nói thì một chữ cũng không nói, đối với những lời nói xằng bậy, thị phi thì càng phải giữ miệng. Đây là một loại tu dưỡng, cũng là một loại xử thế, vừa là vì người cũng vừa là vì mình.
Con người thường ở vào lúc tức giận, oán hận, bất mãn mà nói ra những lời cay nghiệt, lời tổn hại đến người khác. Người bị oán trách sẽ vì những lời nói cay nghiệt đó mà khắc sâu trong tâm, thậm chí làm ra những việc không thể vãn hồi lại được. Vì vậy, một người có thể làm được “thủ khẩu như bình” sẽ không chỉ nâng cao được sự tu dưỡng của bản thân mà còn tránh được những tai họa không đáng có.
Theo Vision Times tiếng Trung