Để đan được một chiếc gùi, đặc biệt là gùi hoa người K’ho đã phải chuẩn bị và tiến hành khá công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước tạo hoa văn và hoàn thành sản phẩm.
Nguyên liệu để đan gùi thường được khai thác trực tiếp từ thiên nhiên ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú như: lồ ô, nứa (đơr), dây mây (sê rơ-gă), cây sim rừng (Pănh), cóc rừng (gơ-nắp-bơ`s), cây pơ-rô, vỏ cây pết, cây tỳ hoặc lá cây sơ-đoăh.
Dụng cụ dùng để đan gùi có xà gạt để chặt cây, dùi nhọn để dùi lỗ, dao nhọn có cán cong rất sắc bén dùng để chuốt sợi mây, vót nan và khung đan sử dụng tạo dáng gùi. Khung có hai loại: khung tròn và khung vuông có kích thước to nhỏ khác nhau. Tùy thuộc vào loại gùi cần đan mà người đan sẽ sử dụng khung cho phù hợp.
Thể hiện sự khéo léo qua từng công đoạn
Để đan gùi người K’ho phải dùng hai loại nan, đó là nan xương và nan thường. Nan xương chắc và nhỉnh hơn. Phần giữa của nan chừa to bản để đan phần đáy gùi, nan xương rất quan trọng, nó quyết định kích thước và độ cứng của gùi. Tùy theo từng loại gùi cần đan mà người ta tạo nan có độ dài ngắn khác nhau.
Khi đan người ta dùng nan xương có chừa phần to bản ở giữa đan phần đáy trước, tiếp đó là công đoạn làm móng gùi (Gơ-lăh-Mun). Móng là hai đoạn cành sim rừng hoặc lồ ô to bằng ngón tay trỏ hoặc nhỏ hơn một chút. Hai đầu được vạt nhọn, cây móng được cắm chéo ở chính giữa dưới đáy gùi và cài chặt vào bốn góc của đáy gùi.
Sau khi cài xong cây móng, người đan phải dùng động tác thật khéo léo vừa đan vừa bẻ góc, uốn cong nan xương để bắt đầu lên thân gùi. Sau bẻ góc thì bắt đầu cài khung để đan thân gùi. Đan tới đâu thì dịch khung ra tới đấy. Khung giúp cho thân gùi được tròn đều hoặc vuông đều từ đáy lên miệng.
Cách trang trí hoa văn và màu sắc
Người K’ho ở Di Linh có hai kiểu đan gùi hoa cơ bản thường gọi là Băng cha Kiang và Băng cha ờs. Băng cha Kiang là kiểu đan tạo hoa văn hình chữ V mà đồng bào gọi là hình gấp khúc cùi chỏ. Băng cha ờs là kiểu hoa văn hình thoi (hình quả trám).
Màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn chủ yếu trên gùi là màu đỏ, đen được lấy từ vỏ, lá cây rừng nếu sử dụng nan nhuộm. Người K’ho cũng ít dùng màu nhuộm nan, sợi để đan gùi hoa mà họ lợi dụng chính chất liệu của nan nứa, lồ ô để tạo màu làm nổi bật các đường nét hoa văn. Nghĩa là khi đan gùi hoa họ sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn. Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt (nan nguyên cật có màu nâu đậm, nan được cạo cật sẽ có màu vàng nhạt) làm nổi bật các đường nét hoa văn. Ngoài hai loại hoa văn chủ đạo nói trên, người K’ho còn đan các loại gùi có trang trí hoa văn hình mặt trời, hình mai rùa, hình móng chân chó...
Người K’ho đan gùi hoa để sử dụng trong các dịp lễ hội, khi đi đám cưới, đi chợ, đi chơi và làm gùi nhỏ trong lễ đặt tên cho bé. Vì vậy gùi hoa được đan rất kỳ công bởi ngoài giá trị của một vật dụng nó còn giúp cho các chàng trai K’ho chứng tỏ được sự tài hoa, khéo léo của mình trước các cô gái và cộng đồng.
Nguồn tin: HPG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
NÔNG SẢN VIỆT NAM LÀM QUÀ TẶNG TẠI Mộc Mạc Hương Vị Việt! |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
Đơn hàng cần gia công theo yêu cầu hoặc lấy sỉ, quý khách vui lòng gửi email về: qualuuniemvietnam.vn@gmail.com |