Nghiệp với nhân quả
Nguyên nhân nào sinh ra kết quả đó. Gieo gió gặt bão. Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Gieo lúa gặt lúa, gieo hạt vả ăn quả vả… Tôi muốn lấy một ví dụ dụ rất trực quan, rất đời thường để trình bày cách hiểu giản lược của cá nhân tôi về luật Nhân Quả.
Trước nhà tôi có một cây lớn bị chết. Tôi nhổ một cái cây vô danh nhỏ xíu còi cọc mọc ở trên nách tường định vứt sọt rác. Người hàng xóm xin trồng vào chỗ cái cây vừa bị đào gốc. Mới đó đã 5 năm. Đây là cây Sung. Nó đã cao bằng nhà 3 lầu, cành lá sum suê, che cả một không gian lớn. Người đến để chọc những chùm Sung xanh về muối chữa tiểu đường rất nhiều. Ngày Tết lại càng đông, bởi có người chưng mâm ngũ quả ngoài mấy trái cây khiêm tốn DỪA, ĐỦ, XOÀI thì có người lại quan tâm tới những chùm SUNG (mãn)…
Tôi thấy hạt Sung chỉ bé như hạt cám, bằng đầu bút bi. Rồi nhớ cái cây nhỏ xíu. Và bây giờ… Thật không ai ngờ được.
Vậy đấy, Cái Nhân (hạt) dường như mong manh, và chẳng có chút giá trị gì. Nhưng nó đã gặp duyên lành (đất đai, ánh sáng, chất phân, nước tưới…). Và nó cho ta quá nhiều ngỡ ngàng, quá nhiều những gì mà mình không ngờ tới. So với cái Nhân ban đầu mong manh, dường như không có gì, thì bây giờ các nhà khoa học, các nhà triết học, các nhà thơ đa cảm… nói hết giấy hết mực cũng không hết được. Nó hiện diện, có hình tướng trước mắt mà vẫn làm ta dụi mắt…
Đó chỉ là một ví dụ trực quan mà ai cũng có thể cảm nhận, thế thì con đường đi của định luật NHÂN QUẢ thông qua Duyên Nghiệp sẽ rắc rối, dích dắc đến mức nào. Có ai nghĩ gieo mầm một cái Thiện nhỏ ta có cái cây Đức xanh đến mênh mông, có những mùa trái đếm không hết?
Cũng vậy, một cái Ác nhỏ được gieo có thể thành một cái cây Ác với vô số cành, rồi lá, rồi quả… vô số những cái Ác có hình thù đủ dạng đủ thức.
Cái Quả từ Nhân (hạt) mà có nhưng nó tăng trưởng, nó khuếch tán như là từ Không đến Có vậy. Quả (Cây) của chúng khác hẳn cái hạt Sung (Nhân) bé tí. Đến mức, ai đó vô tình hỏi hạt Sung như thế nào, nó màu gì thì chưa hẳn chúng ta đã trả lời ngay được. Nhân quả mà ta thấy hàng ngày thường là những quy luật tự nhiên nên ta không, hoặc ít thắc mắc bởi chúng diễn ra theo một tiến trình rất tự nhiên.
Nói tới định luật Nhân Quả tôi lại nhớ tới những kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du.
Theo tôi, đứng dưới góc nhìn duy vật người ta nói về bao nhiêu giá trị trong tác phẩm của Ông chỉ là bề mặt. Cái làm nên vĩ đại của Ông có lẽ là đã nói được một cách vô cùng sinh động, đầy cảm xúc và trí huệ về những điều sâu xa nhất chi phối sinh mệnh con người. Ông nói với một trái tim Từ Bi chứ không phải bằng cái chủ nghĩa nhân đạo rất duy vật và có những tiêu chí khoa học mà người ta cứ loanh quanh đó mãi.
Số phận của Kiều có nguyên nhân sâu xa từ tiền kiếp:
“Đã mang lấy Nghiệp vào Thân“
Và trong đời này lại tạo tác Nghiệp, dấy khởi cái Nghiệp ấy bằng chữ TÌNH :
“Đã mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại chọn những chốn đoạn trường mà đi”
Trong VĂN CHIÊU HỒN, những câu thơ mở đầu:
“Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh…
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”
Hãy nghe Nguyễn Du nói về các hạng người trên thế gian và ông nhìn nhận họ.
Nào là:
“Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời”
Nào là:
“Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh”
Nào là:
“Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi”
Cuộc đời nhân sinh là sống trong Mê, hầu như ai cũng lỡ bước bởi không thấy Đại Pháp :
“Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một NGHIỆP khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?”
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du tự thương:
“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”.
Ba trăm năm là chu kỳ luân hồi của kẻ phong lưu. Nguyễn có gặp lại tri âm?
Định luật nhân quả ứng với NGHIỆP LỰC LUÂN BÁO. Trên đời này chắc có bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu Nghiệp không giống nhau. Do vậy Nhân Quả cũng không giống nhau!
Khi hai người cùng làm một hành động, họ sẽ không có cùng một nghiệp quả. Đức Phật so sánh việc tạo nghiệp ác của hai người với bỏ một muỗng muối vào ly nước hay bỏ xuống sông Hằng. Ly nước muối sẽ không uống được, nhưng nước sông Hằng có gì thay đổi đâu. Cũng thế, với người có cả một dòng ‘sông Đức’ thì một hành động sai quấy cũng không ảnh hưởng gì mấy. Nhưng nếu ta chỉ có một ‘ly nước Đức’ thì chỉ một hành động sai quấy thì cũng đủ làm cay đắng cả cuộc đời. Đức cần nhiều và Nghiệp ít bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cũng vậy, khuấy ly nước bằng muối, ta uống vào thì thấy mặn. Nhưng khi cầm ly nước ấy ta nghĩ tới câu tục ngữ của cha ông rằng: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” thì quả là chúng ta hình dung không ra.
Nhưng đó lại chính là quy luật chi phối vũ trụ này một cách phổ biến và sâu sắc nhất. Nếu có một hay nhiều Đấng Tối Cao đang chi phối nhân loại và vạn vật thì nhìn vào những điều thâm sâu của quy luật Nhân Quả ta có thể biết được Đấng ấy Công Chính, Từ Bi, Vô Tình… như thế nào. Quy luật này dường như còn có thể chi phối cả cái Đấng đã sinh ra Nó.
Cứ nhìn câu chuyện về Đại Hồng thủy thì rõ. Chúa định hủy diệt loài người hư đốn. Nhưng Thần nói với Chúa là cho xuống thế gian xem còn người công chính không? Kết quả là cả nhà ông Nô-ê được cứu…
Trong Kinh Phật có kể rằng:
“Có người ngoại đạo đến hỏi Phật:
– Thưa Thế Tôn, cái gì định đặt cho con người, sinh ra kẻ thì nghèo nàn khổ sở, người thì giàu sang sung sướng, kẻ thì sống lâu, người thì chết yểu, kẻ thì yếu đau, người thì khỏe mạnh, kẻ thì ngu tối, người thì thông minh?
Đức Phật đáp:
– Tất cả sự sai biệt giữa con người và con người là do Nghiệp mà họ đã tạo định đặt ra, nên có người ưu kẻ liệt.
– Do tạo nghiệp gì khiến cho người sống lâu và do tạo nghiệp gì khiến cho người chết yểu?
– Người không tạo nghiệp sát hại chúng sanh, thì được thọ mạng lâu dài. Người tạo nghiệp sát, đoản mạng sống của chúng sanh, nên thọ mạng yểu.
– Do tạo nghiệp gì mà thân người được khỏe mạnh, và do tạo nghiệp gì mà thân hay đau yếu bệnh tật?
– Do nghiệp ác làm cho người đau khổ, nên thọ thân hay bệnh tật đau yếu. Và do tạo nghiệp lành như an ủi giúp đỡ người qua khỏi những tai nạn khốn khó nên được thọ thân khỏe mạnh vui tươi.
– Do tạo nghiệp gì mà sinh trong gia đình giàu sang sung sướng và do tạo nghiệp gì mà sinh trong gia đình nghèo đói khốn khổ?
– Do đời trước biết tu làm lành, biết bố thí cúng dường, biết giúp đỡ người nghèo đói bịnh tật, nên đời nay được sinh thân trong cảnh giàu sang sung sướng. Người ở đời trước vì không biết bố thí cúng dường, không biết giúp đỡ người nghèo khó, lại còn tham lam rút rỉa của những người khác, nên đời nầy sanh thân trong cảnh nghèo đói thiếu thốn.
– Do nghiệp gì người sanh ra được thông minh sáng suốt và do nghiệp gì người sanh ra lại ngu dốt tối tăm?
– Người đời trước do siêng năng học hỏi tìm hiểu chân lý, ưa thích giúp người học hỏi hiểu biết nên đời nầy được thông minh. Còn người ở đời trước do lười biếng học, không chịu tìm hiểu chân lý, cản ngăn sự học hỏi của người, nên đời nầy bị tối tăm mê mờ.
Ở chỗ khác, Đức Phật giảng rằng:
“Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước… Đây không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ”.
Nghe rất huyền hoặc. Nhưng có thể nói, sống ở trên thế gian nầy, nếu không hiểu biết gì về Nghiệp, sẽ có nhiều thắc mắc đến độ nan giải. Bởi lẽ, nhân quả nhiều đời nhiều kiếp, chồng chất lên nhau mang tính trùng trùng duyên khởi, nên có nhiều kết quả hết sức đa dạng và phức tạp. Khi Nhân sai biệt giữa hình thức và nội dung thì sẽ tạo các Quả sai biệt tương đương.
Nguồn tin: DKN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
NÔNG SẢN VIỆT NAM LÀM QUÀ TẶNG TẠI Mộc Mạc Hương Vị Việt! |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
| | |
Đơn hàng cần gia công theo yêu cầu hoặc lấy sỉ, quý khách vui lòng gửi email về: qualuuniemvietnam.vn@gmail.com |