Vu Lan nhớ nồi chè của má
Hồi tôi còn nhỏ xíu, mỗi lần tới rằm là nghe lũ bạn trong làng chạy quanh gốc đa đọc to: “Rằm tháng giêng kẻ khiêng người quảy/Rằm tháng bảy kẻ khóc người cười/Rằm tháng mười kẻ cười người khóc”.
Tôi đâu biết ý nghĩa của bài vè nhưng nghe mãi đâm ra thuộc lòng. Lớn hơn một chút, đi hỏi má, má từ tốn giải thích, nếu rằm tháng giêng trùng dịp tiết Nguyên tiêu cộng với không khí ngày xuân còn sót lại, ai nấy cũng lo cúng lớn để tạ ơn đất trời, mong ông bà phù hộ một năm làm ăn phát đạt. Rằm tháng bảy vía ngài Mục Kiền Liên mượn ơn đức Thích Ca Mâu Ni xuống địa ngục giải cứu mẹ Thanh Đề và những vong hồn khi còn sống làm nhiều điều tàn ác nên khi chết mắc đọa, bị đày xuống chín tầng âm phủ. Người ta làm mâm bánh trái cúng cô hồn ngạ quỷ, mong họ siêu thăng đừng hiện về khóc than, quấy rối. Tới rằm tháng mười, mưa tạnh, lũ lụt gì cũng sắp tan, phù sa thượng nguồn đổ về bồi đắp những cánh đồng phì nhiêu bên hai bến sông Dinh báo hiệu một vụ bội thu. Và Tết cận kề. Người giàu hớn hở lo mua sắm ăn chơi đã đời trong khi người nghèo canh cánh khóc than, đào đâu ra tiền mà tết với nhất.
Nhà tôi cũng buôn bán nhưng chẳng cúng rằm lớn như người ta. Không ít thì nhiều, má bày một mâm ngoài sân, dưới gốc đào, có trái cây, bánh kẹo, mía, khoai lang, đặc biệt lúc nào cũng có xoài cát hay thanh ca và một mâm xôi với chè ngọt lịm.
Chè cúng Rằm, qua bàn tay tài hoa của má đã thành món đẫm đuột nhớ thương đi xuyên suốt qua thời thơ ấu khổ nghèo, đến những năm tháng lênh đênh biển đợi xứ người vẫn cứ còn mãi hoài trong tâm tưởng.
Má thường nấu xôi đậu xanh, còn chè thì thay phiên giữa đậu xanh đánh và trôi nước. Chè đậu xanh đánh nhìn dễ nhưng nấu rồi mới biết trần ai lắm. Đậu xanh cà ngâm mềm, đãi bỏ vỏ rồi đem đi hầm trên lửa nhỏ. Nhớ đừng đổ nhiều nước chè sẽ lỏng và cũng đừng ngâm quá lâu đậu sẽ hôi ê. Khi thấy đậu nở bung ra là đổ đường cát và một ít bột vani, rồi cầm mớ đũa ăn cơm đánh nhè nhẹ, đều tay cho đậu nhuyễn. Lúc này nồi chè sôi ùng ục y như miệng núi lửa. Không cẩn thận là văng vô phồng mặt, phồng tay ngay. Nhưng không được ngừng nhen, chè sẽ khét hay khê không còn thơm nữa. Đánh một hồi, đậu nát ra, vàng ươm, sóng sánh. Khi thấy chè đặc, tắt lửa, múc ngay vô chén chứ không nó khô.
Chè đậu xanh đánh ngon mặt phải láng, đậu xanh mềm mịn, ngọt vừa đủ. Cho vào miệng một miếng, có cảm giác chè tan ngay. Chẳng cần thêm nước dừa mà vị béo quấn quíu đầu môi. Mà xanh đánh bỏ vào chén ăn không ngon bằng lúc vét nồi. Sau khi múc cúng xong, dưới nhà bếp, tụi tôi tranh nhau lấy muỗng vét lớp đậu cháy còn dính dưới đáy hay vòng quanh miệng xoong. Trời ơi, không thể diễn tả được cảm giác lúc ấy. Cứ y như ăn sơn hào hải vị.
Chè trôi nước chị tôi vò viên theo kiểu ngày xưa của má
|
Chiều 14 âm lịch, má ngâm nếp, tối sai mấy chị qua nhà anh Quang xay bột bằng cối đá. Chừng nửa tiếng sau, chị mang thau bột về để má trút vô túi vải, cột miệng bằng dây sống lá, lấy cối đá đè lên, để qua đêm cho rút hết nước. Sáng hôm sau mở túi ra, bột trắng ngà, mềm mịn.
Do nấu chè cúng nên má chỉ vò viên nhỏ, không làm viên to có nhân đậu xanh chính giữa như ngoài chợ. Má bày thau bột giữa nhà. Tụi tôi ngồi chung quanh, ngắt bốn viên bỏ lên tay vo tròn rồi lấy ngón trỏ ấn chính giữa để lún xuống y như núm đồng tiền rồi chất lên mâm. Cứ ngắt rồi vò, vò rồi ấn, ấn rồi để mâm. Mười mấy tay làm, phút chốc được hai mâm bột trắng tinh, thoang thoảng thơm vị nếp.
Muốn chè dẻo, phải mang bột ra phơi nắng cho ráo nước thôi. Đừng khô quá, bột nứt nẻ khó coi khi cúng ông bà sẽ quở.
Má bắt nồi lên bếp, cho đường tán vào. Chè trôi nước phải nấu bằng đường tán còn dính mật mía mới ngon, chứ nấu bằng đường cát ăn không đượm. Nước sôi, má bỏ bột vô, kèm ít gừng giã nhuyễn, vắt gần hết nước. Nước sôi sùng sục. Hàng trăm viên bột chín tới, tranh nhau nổi lên trên dễ thương vô cùng. Tắt lửa. Chị múc vô chén sành. Chẳng đếm bao viên, nhưng lúc nào cũng vừa vặn ba chục chén. Nhiệm vụ của tôi là bưng lên nhà trên cho ba để lên bàn thờ. Má dặn phải bưng dưới đít chén, không được để tay lên trên hay thọc vô chén chè, bất kính với ông bà. Nhưng mấy vụ này đời nào tôi nghe lời. Thèm quá mà. Vừa đi vừa giả đò chạm tay vô nước đường rồi đưa lên miệng mút.
Cúng xong, mỗi đứa được hai chén chè. Rằm tháng bảy trời lại hay mưa. Ăn chè trôi nước giữa ngày mưa lạnh là một niềm hạnh phúc vô biên. Không cần muỗng, lấy chân nhang cắm vô từng viên, kê miệng húp nước cái rột. Bột nếp dẻo vô ngần. Nước đường ngọt đậm, nồng thơm vị gừng. Có cảm giác môi răng gì cũng dính chặt vào nhau không rời rạc. Còn dư chén nào, lấy giấy báo đậy lại để sáng hôm sau ăn. Trôi nước để qua đêm sẽ thấm đường, nếp càng thêm dẻo.
Những món chay đi suốt tuổi thơ
Má tôi cả đời thờ Phật, đi chùa, ăn chay tháng bốn ngày. Tới tháng bảy ăn ba mươi ngày để rửa sạch hết những sân si, ganh ghét, tị hiềm, cho tâm tĩnh lại trước cuộc đời và mỗi đêm nhang đèn cầu Phật trời phù hộ độ trì cho linh hồn của đấng từ thân, tiêu diêu nơi miền Cực lạc. Tôi nhỏ nhất nhà, nên có đặc ân không anh chị nào có được, là đêm nào cũng ôm má ngủ trên cái đi văng trước cửa nhà. Thế là bà rủ rỉ rù rì kêu tôi ăn chay cho có bạn.
Má là đại diện tiêu biểu của những bà mẹ quê nghèo khó, suốt đời làm lụng cực khổ nhưng tằn tiện hổng dám xài, ăn uống đạm bạc để tiền lo cho con, bệnh hổng dám đi tìm thầy chữa. Chắc nhờ mười mấy lần sanh nở chốn quên nghèo, nên có thể tìm thấy ở má tất tần tật những bài thuốc Nam Bắc Đông Tây chủ yếu bằng kinh nghiệm.
Lúc nào sau vườn nhà cũng trồng một nùi cây trái, rau quả để ăn sống, nấu canh, sẵn tiện làm thuốc. Con nóng, má ra vườn hái bồ ngót giã vắt nước cho uống, lấy chanh chà sống lưng hạ sốt. Con đau bụng, má giã lấy nước gừng uống cho ấm bụng.
Mảnh vườn đó cũng “góp phần” không nhỏ vào việc cung cấp lương thực cho ba mươi ngày ăn chay đạm bạc của hai má con những khi túng thiếu.
Có hai người nên má nấu cơm riêng trong nồi đồng trên lò xô đốt bằng tim đèn và dầu lửa. Khói bay mù mịt. Bữa nào nó trở chứng, nghẹt dầu, hết tim, mồi hoài không cháy thì ôi thôi tay chân đen thui, hôi dầu thấy sợ. Mà hay nhen, nồi đồng chịu được lò xô, để lâu một hồi, có lớp cơm cháy giòn rụm ăn rất đã.
Nhiệm vụ của tôi là đi chợ, mua nấm đậu mỗi ngày. Ở quê, đồ ăn chay không có đa dạng, chế biến đủ món như ở Nha Trang, Sài Gòn. Nhưng phải nói, nấm rơm ở quê ngon không đâu bằng.
Nấm nở rất rẻ, mua về nấu canh rau tập tàng hái ngoài vườn, ngọt và mát vô song. Không thì đậu chiên chấm xì dầu dầm trái ớt, thêm chút chanh đường ngon thấy tám chín ông trời. Có bữa ăn cơm rưới muối mè, chiều xì dầu trộn chao chấm bánh tráng. Mà chao càng để lâu càng dẻo và ngon vô đối. Thiên hạ ăn cơm kèm với rau sống, dưa leo, dưa hấu, xoài chua, còn má ăn kèm với chuối chín. Chuối ta cúng bàn thờ chín rục, lột vỏ, xắn một miếng kèm với cơm, má nhai ngon lành như sơn hào hải vị.
Nhưng ngon nhất, đã nhất phải kể tới món nấm rơm búp búp kho với tiêu, xì dầu, thêm vài trái ớt xiêm cho keo lại, ăn kèm cơm trắng. Phải gọi là... thiên hạ vô địch. Hơn nửa đời người, đi tứ hướng mười phương, ăn không biết bao nhiêu món ngon Việt, Mỹ, Tây, Tàu, tôi không tìm đâu ra nồi nấm rơm kho tiêu cay nồng, cắn cái bụp, nước ngọt xịt ra, thấm vào tận châu thân như má kho năm cũ.
Tôi giờ ở đất khách quê người. Ba má mất hết cả rồi nên cũng không ai nhắc nhớ. Giữa những ngày miên viễn xót xa, khi bữa cơm nhà là một món quà xa xỉ. Sáng dậy trễ có gì quơ nấy, trưa ăn đồ hôm trước, tối lại nhịn... giảm eo. Lắm khi quên xé lịch nên chỉ biết đầu với cuối tuần. Nửa đêm lái xe, thấy trăng tròn mới la làng, a hôm nay Rằm (nhưng hồi sáng lỡ ăn mặn mất tiêu), nhìn trời tối đen mới biết mùng một. Sau này hiện đại, tải app âm lịch về để nhắc mình, mỗi tháng ăn chay hai ngày thanh tịnh.
Đôi khi buộc miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh má ba năm tháng khổ nghèo, chiều chiều ra gốc đa đầu làng nhảy múa hát ca với đám trẻ thân thương, tối tối rúc đầu vào lòng má tìm hơi ấm thâm tình, hay cùng anh chị chia nhau từng miếng xôi cháy, đậu xanh vét xoong hay chén chè ngọt lịm.
Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước, cứ mãi trêu ngươi. Tôi thiên di nửa đời người vẫn luôn là người trễ hẹn.